Nướu răng là gì? Các bệnh thường gặp về nướu răng
Nướu răng là một trong những bộ phận phản ánh rõ nhất sức khỏe của răng miệng. Vậy nướu răng là gì? Đâu là bệnh lý về nướu thường gặp. Theo dõi bài viết dưới đây để có cách chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt nhất.
Nướu răng là gì?
Nướu răng hay còn gọi là lợi, đây là một phần của niêm mạc miệng bao phủ ở cả hàm trên và hàm dưới. Chúng ôm sát quanh răng và quanh xương ổ răng giúp bảo vệ chân răng trước các tác nhân gây hại của bên ngoài. Vị trí của nướu được xác định là mô mềm từ cổ răng đến đáy hành lang miệng (lằn tiếp hợp niêm mạc di động).
So với các mô mềm bao quanh phần má và môi, đa số mô nướu đều dính chặt vào khung xương bên dưới. Mô nướu khỏe mạnh thường có màu hồng san hô hoặc hồng nhạt, bề mặt xuất hiện chấm màu da cam. Khi bị bệnh thường bị đổi màu, sưng đỏ, đau nhức, xuất hiện ổ mủ hoặc chảy máu.
Cấu tạo và chức năng của nướu răng
Theo các chuyên gia, cấu tạo nướu răng được chia ra làm hai phần chính gồm: Nướu rời và nướu dính. Cụ thể:
Nướu rời
Nướu răng rời là gì? Đây là nướu tự do, có thể sử dụng cây thăm dò để chạm và tách nướu ra khỏi thân răng. Vị trí của nướu rời được xác định là phần mô viền áp vào và bao quanh cổ răng nhưng không dính vào răng. Nướu rời có chiều rộng khoảng 1mm, được giới hạn với nướu dính bởi rãnh nướu rời – một rãnh nhỏ.
Khe nướu là một rãnh nhỏ hẹp, có cấu tạo hình chữ V. Đây là nơi tiếp xúc giữa mặt răng và nướu rời. Khe nướu thường có chiều sâu khoảng từ 0 đến 3,5mm. Cấu tạo gồm hai vách mềm và vách cứng. Trong đó vách cứng được xác định là bề mặt gốc răng còn vách mềm được xác định là nướu rời.
Khe nướu giữ vị trí vô cùng quan trọng, đặc biệt biểu mô khe nướu mỏng rất dễ tổn thương và không được sừng hóa. Tuy nhiên, nếu sức khỏe răng miệng tốt một chất dịch sẽ được tiết ra từ khe nướu để rửa sạch và sát trùng.
Gai nướu (nướu kẽ răng) được xác định là phần nướu nằm giữa hai răng. Loại nướu này có hình tháp, có gai. Vị trí gai nướu thường đọng lại vụn thức ăn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại tích tụ gây bệnh nha chu.
Nướu dính
Nướu dính là phần nướu kế tiếp phần nướu rời, có bề rộng từ 0,5 – 6mm. Nướu này thường trải dài đến niêm mạc di động (còn gọi là lằn tiếp hợp nướu). Nướu dính khác nướu rời là chúng áp chặt vào xương ổ răng, không di động. Vì vậy, khi ăn nhai vị trí và cấu tạo của nướu dính không thay đổi.
Vai trò và chức năng của nướu trong khoang miệng rất quan trọng. Vì đây là một bộ phận cấu thành tổ chức nha chu. Nhiệm vụ chính giúp răng đứng vững trên cung hàm, nâng đỡ răng và bảo vệ chân răng. Chính vì thế, khi nướu bị tổn thương sẽ khiến chân răng bị tác động và nguy hiểm có thể gây ra tình trạng mất răng.
Một số bệnh lý về nướu răng thường gặp
Nướu răng là mô mềm rất dễ bị tác động dẫn đến tổn thương và mắc các bệnh lý răng miệng. Vậy bệnh lý thường gặp về nướu răng là gì? Dưới đây là một số bệnh dễ gặp phải nhất:
Viêm nướu răng
Viêm nướu răng là bệnh lý có nguy cơ mắc phải cao nhất trong các bệnh về nướu. Dấu hiệu nhận biết:
- Nướu sưng đỏ, đau nhức: Khi bị bệnh, nướu răng thường ửng đỏ, sưng lên và gây đau nhức. Trường hợp viêm nặng có thể đau ngay cả khi nuốt nước bọt.
- Chảy máu nướu răng: Nướu bị tổn thương sẽ bị chảy máu, nhất là khi nhai đồ ăn cứng hoặc chải răng.
- Cao răng bám dày: Cao răng ở quanh cổ răng và nướu răng xuất hiện một lớp dày, chứa nhiều vi khuẩn có hại.
- Hơi thở có mùi hôi: Các vi khuẩn trú ngụ dưới những mô nướu khi viêm nhiễm rất khó được làm sạch. Vì vậy, khi tích tụ lâu ngày sẽ khiến hơi thở có mùi hôi.
- Răng dài hơn: Một số trường hợp người bệnh bị sưng nướu gây tụt nướu, lộ chân răng. Vì vậy, khi nhìn vào có cảm giác răng trông dài hơn các răng xung quanh.
- Cấu trúc hàm thay đổi: Khoảng cách giữa các răng đột nhiên rộng ra, răng ngả về phía trước hoặc phía sau khi bị viêm nướu.
- Răng lung lay, nhạy cảm: Nướu không ôm sát chân răng khiến chân răng lộ ra ngoài dễ bị lung lay hoặc ê buốt.
Tham khảo:
Nguyên nhân gây bệnh viêm nướu thường do vệ sinh răng miệng không kỹ lưỡng, không làm sạch các mảng bám ở kẽ răng. Ngoài ra, bệnh lý này còn do bạn thường xuyên dùng thuốc lá; tác dụng phụ của thuốc Tây y; một số bệnh răng miệng khác; mắc các bệnh làm suy giảm miễn dịch như tiểu đường, bạch cầu, HIV,…
Viêm nướu răng nếu không điều trị kịp thời có thể lây lan đến các mô cơ và xương (nha chu) và các cơ quan lân cận. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ đau tim, đột quỵ, tiểu đường, mất răng,… Vì vậy, ngay từ khi phát hiện triệu chứng viêm, bạn nên thăm khám và điều trị bệnh dứt điểm bằng các cách sau:
- Tình trạng sưng nhức ở mức độ nhẹ: Dùng nước súc miệng diệt khuẩn, đánh răng đều đặn 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa và đến nha khoa để cạo vôi răng. Những biện pháp này có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn từ các mảng bám tấn công vùng nướu viêm nhiễm.
- Tình trạng sưng nướu răng có mủ: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy vôi răng, vệ sinh sạch túi mủ chứa vi khuẩn. Bên cạnh đó chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, chống viêm phù hợp.
- Trường hợp nướu sưng trầm trọng, khiến răng bị lung lay và ảnh hưởng đến các mô mềm khác: Đối với trường hợp này ngoài dùng thuốc chống viêm giảm đau bác sĩ sẽ loại bỏ phần nha chu tổn thương và ghép thêm vạt nướu (nếu cần) để tránh làm mất răng.
Viêm nha chu
Nha chu là tổ chức ở xung quanh răng, có chức năng chống đỡ và giúp răng vững chắc. Tổ chức nha chu bao gồm: Nướu răng, xương ổ răng, dây chằng, lợi và gai lợi nằm ở phía dưới các răng. Vì vậy, khi bị viêm nha chu cũng có thể gây tổn thương cho nướu lợi.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm nha chu giống với viêm nướu, thường có biểu hiện: Các mô nha chu bị viêm nhiễm sưng đỏ, đau nhức, hôi miệng,… Tuy nhiên, bệnh lý này có biến chứng nguy hiểm hơn viêm nướu. Vi khuẩn có thể tấn công và phá huỷ xương ổ răng, hình thành các túi nha chu chứa mủ trắng và gây ra các biến chứng như:
- Mất răng: Khi xương ổ răng bị tổn thương, chân răng không bám vững trên cung hàm rất dễ mất đi chức năng ăn nhai. Khi đó bạn cần đến nha khoa kiểm tra để áp dụng các phục hình răng phù hợp.
- Bệnh tiểu đường: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng viêm nha chu là nhân tố quan trọng gây ra bệnh tiểu đường. Khi nhiễm trùng nha chu, vi khuẩn có thể theo đường tuần hoàn máu đến các tế bào gây ra hiện tượng “kháng insulin”. Khi đó, tuyến tụy phải tăng tiết insulin để tế bào hấp thu glucose để giữ đường lượng trong máu ổn định. Nếu cố gắng tăng tiết insulin thời gian dài sẽ khiến tuyến tụy sẽ suy nhược dẫn đến bệnh tiểu đường.
- Bệnh tim mạch: Nhiễm trùng nha chu có thể tác động vào hệ tim mạch theo 2 cách trực tiếp và gián tiếp. Nếu tác động trực tiếp vi khuẩn trong túi nha chu sẽ xâm nhập đường tuần hoàn máu và trực tiếp tác động lên tim, mạch máu. Trường hợp tác động gián tiếp sẽ làm sản sinh ra những chất có hại cho hệ thống tim mạch như CRP, fibrinogen, LDL. Từ đó gây ra tình trạng như xơ vữa động mạch, đường kính mạch máu bị thu nhỏ, máu dễ bị vón cục, nhiễm trùng nội tâm mạc,…
Chảy máu nướu
Chảy máu nướu lợi cũng là một trong những dấu hiệu báo hiệu bạn có thể đang gặp bệnh lý nguy hiểm. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng này là do thói quen trong ăn uống và sinh hoạt.
Một số trường hợp gây chảy máu nướu thường gặp nhất gồm:
- Dấu hiệu viêm nướu hoặc giai đoạn đầu bệnh nha chu: Nếu do các bệnh lý này ngoài bị chảy máu nướu thường kèm theo các triệu chứng đau nhức, ê buốt, nổi mụn trắng, hôi miệng,… Cách điều trị hiệu quả nhất là loại bỏ những mảng bám răng chứa vi khuẩn gây bệnh. Sau đó sử dụng thuốc để trị dứt điểm tình trạng viêm nhiễm.
- Lần đầu sử dụng chỉ nha khoa: Trong trường hợp lần đầu bạn dùng chỉ nha khoa vệ sinh răng miệng thì có thể gặp phải tình trạng chảy máu nướu. Vì khi đó nướu đang bắt đầu tập thích nghi với phương pháp này. Tuy nhiên tình trạng này sẽ khỏi hoàn toàn sau khi bạn đã thuần thục sử dụng chỉ nha khoa.
- Mẫn cảm nướu ở phụ nữ có thai: Phụ nữ mang thai nội tiết tố có nhiều thay đổi khiến nướu bị sưng và nhạy cảm hơn. Đối với các bà bầu, chảy máu nướu có thể xảy ra ngay cả khi không dùng chỉ nha khoa, chải răng hay tác động đến nướu. Nếu mẹ bầu bị chảy máu nhiều và thường xuyên nên liên hệ với bác sĩ để điều trị, tránh tự ý dùng thuốc gây nguy hiểm cho thai nhi.
- Chải răng mạnh tay: Chải răng mạnh tay hoặc dùng bàn chải lông cứng có thể tác động đến nướu gây ra chảy máu. Cách khắc phục đơn giản nhất là sử dụng bàn chải lông mềm và đánh răng nhẹ nhàng.
- Thiếu dưỡng chất: Nếu cơ thể thiếu dưỡng chất nhất là vitamin C, vitamin K cũng có thể khiến nướu bị chảy máu. Vì vậy bạn nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học để bổ sung đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, chảy máu nướu thường xuyên còn có thể là dấu hiệu của bệnh lý tiểu đường, bệnh tim, rối loạn đông máu, bệnh bạch cầu hoặc thiếu máu. Nếu mắc bệnh lý này sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm cho cơ thể, vì vậy người bệnh nên chú ý thăm khám và điều trị kịp thời.
Nổi mụn trắng tại nướu răng là bệnh gì?
Nổi mụn trắng ở nướu răng là tình trạng xuất hiện những nốt đỏ mọng nước, khi vỡ chảy ra dịch màu trắng ở nướu răng. Bệnh lý này thường thấy nhiều ở trẻ em, còn người lớn ít gặp hơn.
Nguyên nhân khiến mụn trắng nổi ở nướu răng:
- Do chế độ ăn uống: Nếu bạn có chế độ ăn uống không cân bằng các chất dinh dưỡng, sử dụng nhiều thực phẩm cay, nóng, đồ ngọt, đồ ăn nhiều dầu mỡ có thể bị mọc mụn trắng ở lợi.
- Sử dụng nước súc miệng có cồn: Nước súc miệng có chứa cồn hoặc các thành phần hóa học có hại cho sức khỏe. Nếu bạn không chú ý sử dụng phải các sản phẩm này sẽ làm cho chân răng nổi cục trắng sau này hình thành bọc mủ.
- Vệ sinh răng miệng kém: Vệ sinh kém, không đúng cách có thể khiến vi khuẩn tích tụ dẫn đến bệnh lý răng miệng và nổi mụn ở nướu.
- Bị lây nhiễm khi thăm khám răng miệng tại nha khoa: Có rất nhiều trường hợp sau khi thăm khám răng tại nha khoa xuất hiện mụn trắng ở nướu. Nguyên nhân có thể do nha khoa không có trang thiết bị vô trùng hoặc xử lý dụng cụ nha khoa không đảm bảo vệ sinh.
Nổi mụn trắng ở nướu có thể dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm như:
- Áp xe chân răng: Bệnh này thường bắt nguồn từ sâu răng, sau đó phát triển thành viêm tủy và lan xuống vùng xương ở dưới chân răng. Khi xương hàm bị hoại tử sẽ nổi lên mụn trắng ở nướu răng để thoát ra ngoài. Các nốt trắng ban đầu nhỏ, sau đó to dần và bị vỡ khi chạm vào. Chất mủ bên trong thoát ra ngoài sẽ có màu trắng đục hoặc vàng xanh và có mùi hôi.
- Viêm nướu: Nổi mụn trăng ở nướu cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm nướu lợi. Nguyên nhân gây bệnh là do vệ sinh kém dẫn đến vi khuẩn tích tụ gây viêm. Ngoài mọc mụn trắng, bệnh viêm nướu còn có triệu chứng đau nhức, khó chịu.
- Hoại tử sàn miệng: Bệnh lý này ban đầu xuất hiện các nốt trắng nhỏ sau đó lan rộng ra xương hàm, lưỡi và cằm. Bệnh hoại tử sàn miệng rất nguy hiểm, có thể khiến người bệnh bị ngừng hô hấp dẫn đến tử vong.
- Ung thư miệng: Mọc mụn mủ ở nướu còn là dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư miệng. Đây cũng là bệnh lý nguy hiểm, người bệnh cần hết sức chú ý để có giải pháp điều trị kịp thời.
Cách điều trị tình trạng nổi mụn trắng ở nướu răng:
- Tình trạng mụn trắng do viêm nhiễm thông thường: Sau khi kiểm tra bác sĩ sẽ tiến hành nạo vét ổ mủ, làm vệ sinh sạch sẽ khoang miệng để tránh lây lan sang khu vực lân cận. Sau đó cho bệnh nhân uống thêm thuốc giảm đau chống viêm giúp bệnh nhanh lành.
- Tình trạng nổi mụn trắng ung thư, hoại tử sàn miệng: Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân uống thuốc Tây y hoặc áp dụng các phương pháp tiểu phẫu để điều trị.
Lưu ý khi chăm sóc sức khỏe răng miệng
Các bệnh nha chu có ảnh hưởng rất lớn đến nướu răng, do đó, để tránh mắc các bệnh về nướu bạn cần:
- Chăm sóc sức khỏe răng miệng thường xuyên bằng cách đánh răng, dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng vào buổi sáng sớm, buổi tối trước khi ngủ và sau các bữa ăn.
- Ăn nhiều các thực phẩm bổ sung vitamin và dưỡng chất cho cơ thể.
- Tránh sử dụng các thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như đồ ngọt, tinh bột, đồ ăn nóng – lạnh,…
- Nên thường xuyên thăm khám nha khoa và lấy cao răng để có biện pháp điều trị bệnh lý răng miệng kịp thời.
Trên đây là toàn bộ nội dung trả lời cho câu hỏi viêm nướu răng là gì và cách xử lý các bệnh về nướu thường gặp. Người bệnh có thể tham khảo những thông tin này để có cách bảo vệ sức khỏe răng miệng tốt nhất.
Xem thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!