Bệnh Hôi Miệng Do Đâu? Cách Trị Hơi Thở Có Mùi Hiệu Quả
Hôi miệng, miệng hôi thối là tình trạng thường gặp. Tuy không gây nguy hiểm tới tính mạng nhưng hơi thở “rau mùi” sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, giao tiếp của người bệnh. Do vậy việc sớm tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp khắc phục là điều vô cùng cần thiết.
Bệnh hôi miệng là gì?
Hôi miệng tiếng Anh là halitosis, đây là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng hơi thở có mùi khó chịu. Mùi hôi này bắt nguồn từ khoang miệng, thường phát ra khi bệnh nhân nói cười hoặc thở bằng miệng.
Khi bị hôi miệng, bệnh nhân thường tỏ ra bối rối, gây cản trở lớn tới hoạt động giao tiếp xã hội giữa các cá nhân với nhau. Theo các bác sĩ, mùi hôi miệng có mức độ gây khó chịu chỉ sau bệnh sâu răng và nha chu.
Theo nhiều báo cáo y tế, hiện nay tỷ lệ dân số đang có mùi hôi miệng, thậm chí hơi thở có mùi thối khó chịu dao động từ 22-50%. Đây thực sự là con số báo động khi con người ngày càng quen thuộc với việc sử dụng thức ăn nhanh, nước ngọt có gas… nhưng lại ngại chăm sóc răng miệng.
Baking soda là gì? Những mẹo trị hôi miệng bằng Baking soda
Nguyên nhân gây hôi miệng phổ biến
Các chuyên gia cho rằng, rất ít bệnh nhân bị hôi miệng bẩm sinh, tình trạng này chủ yếu do lối sống sinh hoạt hoặc các bệnh lý liên quan gây nên. Trong đó, quá trình giải phóng các hợp chất sulphur chính là nguyên nhân dẫn đến hôi miệng. Bởi đây là hợp chất dễ bay hơi và làm cho hơi thở có mùi khó chịu.
Nguyên nhân bị hôi miệng được chia thành 4 nhóm chủ yếu như sau:
1. Vi khuẩn gây hôi miệng
Quá trình sản sinh ra hợp chất sulphur được xem là nguyên nhân chính khiến miệng hôi thối. Trong đó, chất gây mùi này chủ yếu được tạo ra bởi vi khuẩn kỵ khí Gram âm, chúng tham gia hoạt động phân giải protein và tạo nên khí sulphur.
Theo các bác sĩ, nhóm vi khuẩn kỵ khí gram âm thường khu trú tại các khu vực ứ đọng trong khoang miệng. Phổ biến nhất là túi nha chu, kẽ răng, lưỡi, thậm chí là vùng tổn thương do bệnh sâu răng. Khi không được loại bỏ, lượng vi khuẩn này sẽ tăng cường phân giải protein để tạo thành sulphur, khiến mùi hôi miệng ngày càng trầm trọng.
2. Mắc chứng hơi thở có mùi tạm thời
Ở không ít bệnh nhân, nguyên nhân hôi miệng cũng có thể xuất phát từ việc sử dụng thực phẩm, đồ uống có khả năng phân hủy và tạo thành sulphur. Do vậy, tình trạng này sẽ tự hết sau khi răng miệng được vệ sinh sạch sẽ và ngừng sử dụng thực phẩm gây mùi.
Theo đó, với chứng hôi miệng tạm thời, nguyên nhân có thể do các yếu tố sau:
- Thực phẩm gây khô miệng: Đồ ăn giàu protein, rượu, thuốc lá, các thực phẩm giàu đường… khi còn sót lại ở khoang miệng, những món ăn này sẽ thủy phân và khiến khoang miệng giải phóng amino axit – hợp chất hữu cơ chứa nhiều sulphur khiến hơi thở có mùi hôi.
- Hành, tỏi: Đây là hai loại củ gia vị chứa hàm lượng sulphur rất cao. Khi bệnh nhân dung nạp, chúng sẽ đi vào máu rồi qua phổi để được giải phóng ra ngoài qua hơi thở. Do vậy, sau khi ăn hành tỏi, nhiều người sẽ cảm thấy miệng hôi khó chịu.
- Hút thuốc lá: Khói thuốc có thể khiến lớp niêm mạc miệng bị khô, tạo điều kiện cho các chất bay hơi trong khoang miệng và phổi tăng lên. Điều này khiến bệnh hôi miệng thêm trầm trọng, khó chữa khỏi.
- Ăn keto bị hôi miệng: Ketogenic là chế độ ăn nhiều chất béo, lượng protein vừa phải và tinh bột cực thấp. Tuy đây là biện pháp giảm cân nhanh chóng, đem lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng lại gây tác dụng phụ là hôi miệng.
3. Do bệnh lý về răng miệng
Thực tế, đa phần các nguyên nhân khiến hơi thở có mùi đều xuất phát từ khoang miệng, đặc biệt là tình trạng hôi miệng khi đói. Không giống với chứng bệnh tạm thời hay do vi khuẩn gây nên, các bệnh lý về răng miệng cảnh báo dấu hiệu bất thường ở khoang miệng với đặc trưng là hơi thở có mùi. Theo đó, miệng hôi thối có thể xuất phát từ những vấn đề sau:
- Bệnh về nha chu, nướu: Áp xe chân răng, viêm nha chu, viêm nướu, viêm quanh răng, viêm nướu hoại tử, viêm quanh thân răng,… có thể khiến bệnh nhân đau nhức răng, xương hàm, kèm theo đó là hơi thở có mùi khó chịu.
- Vết loét ác tính trong miệng: Viêm loét kèm mủ không chỉ gây đau đớn mà còn khiến hơi thở bệnh nhân có mùi hôi khó chịu.
- Nấm Candida miệng: Sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans ở khoang miệng có thể dẫn đến tưa lưỡi cùng với các tổn thương màu trắng kem, lâu dần bệnh có thể lan đến nướu, sau cổ họng… kèm với đó là tình trạng hôi miệng.
- Sâu răng: Răng sâu do sự ăn mòn của các loại vi khuẩn trong khoang miệng cũng khiến hơi thở có mùi hôi. Tuy đây chưa phải là nguyên nhân hôi miệng chủ yếu nhưng cũng rất phổ biến ở những bệnh nhân có hơi thở “rau mùi”.
- Giảm tiết nước bọt khi ngủ: Đây cũng là nguyên nhân khiến hơi thở hôi tạm thời, gây nên hiện tượng miệng có mùi vào buổi sáng khi ngủ dậy.
4. Hôi miệng do các nguyên nhân khác
Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, hơi thở có mùi khó chịu trong thời gian dài cũng có thể do các vấn đề bên ngoài khoang miệng gây nên. Trong đó phải kể đến:
- Bệnh lý về tủy xương: Viêm ổ răng khô, viêm tủy xương, hoại tử xương cùng nhiều bệnh lý ác tính khác cũng có thể gây hôi miệng.
- Bệnh lý toàn thân: Nhiễm trùng mũi họng, rối loạn hô hấp điển hình như viêm amidan, viêm xoang…
- Bệnh về dạ dày – ruột: Trào ngược dạ dày thực quản là một trong những bệnh về tiêu hóa điển hình có thể gây hôi miệng.
- Bệnh tiểu đường, gan thận: Những bệnh lý này làm phát sinh quá trình phân hủy mỡ trong cơ thể, từ đó khiến hơi thở có mùi.
- Hội chứng miệng hôi mùi cá ươn: Đây là bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa, làm cho cơ thể không chuyển hóa được hoạt chất trimethylamine có trong các loại thức ăn có mùi tanh. Khi đó, hàm lượng lớn trimethylamine bị tích tụ ở gan làm hơi thở có mùi. Tuy nhiên, đây là hội chứng hiếm gặp và thường có tính di truyền.
- Nhiễm khuẩn Helicobacter pylori: Loại vi khuẩn này thường gây ra bệnh viêm loét dạ dày và làm chứng hôi miệng kéo dài.
Ngoài những tác nhân trên, hơi thở có mùi khó chịu cũng có thể do việc sử dụng một số loại thuốc như chloral hydrate, amphetamine, phenothiazin,… hoặc các nhóm thuốc hóa, xạ trị.
Hôi miệng có nguy hiểm không?
Thực tế, hơi thở có mùi khiến người bệnh ngại giao tiếp, cản trở hoạt động sống, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công việc và khả năng thăng tiến của người bệnh. Thậm chí, nếu hôi miệng do các bệnh lý ở khoang miệng gây nên mà không kịp thời chữa trị có thể khiến viêm nhiễm lan rộng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
Các bác sĩ chuyên khoa cho rằng, nếu hơi thở có mùi hôi khó chịu nhất là tình trạng hôi miệng tầng 4 không được kiểm soát, có thể khiến bệnh nhân phải đối mặt với những nguy cơ sau:
- Ảnh hưởng đến hoạt động nhai thức ăn: Tình trạng này thường xảy ra đối với bệnh nhân có hơi thở bị “rau mùi” do bệnh sâu răng hoặc một số vấn đề nha khoa khác. Khi các bệnh lý đó không được giải quyết có thể khiến răng đau nhức, gây khó khăn cho hoạt động nghiền thức ăn.
- Viêm nhiễm, hoại tử: Nếu tình trạng hôi miệng do bệnh viêm lợi, áp xe răng và không được chữa trị kịp thời sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, hoại tử, gây khó khăn cho quá trình điều trị sau này.
- Răng yếu, rụng răng: Trường hợp bệnh nhân gặp chứng hơi thở có mùi do sâu răng hoặc những vấn đề liên quan đến tủy răng nhưng không được chữa trị sẽ khiến răng yếu dần và gãy rụng. Điều này không chỉ khiến sức khỏe răng miệng giảm sút mà còn gây nhiều phiền toái trong việc trồng răng giả và chăm sóc sau này.
Cách trị hơi thở có mùi hiệu quả
Khi miệng có mùi hôi kéo dài, bệnh nhân cần chủ động tới gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và có giải pháp điều trị phù hợp. Phần lớn các bệnh nhân bị hôi miệng là do quá trình chăm sóc, vệ sinh không cẩn thận, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công và gây mùi. Nếu đang gặp phải tình trạng này, người bệnh có thể tham khảo một số giải pháp sau:
Loại bỏ hơi thở có mùi với mẹo dân gian
Trong dân gian lưu truyền rất nhiều dược liệu có tác dụng trị chứng hôi miệng, giúp đem lại hơi thở sạch mùi. Bệnh nhân có thể tham khảo một số gợi ý sau:
- Sử dụng củ gừng: Người bệnh có thể dùng gừng tươi để nguyên vỏ, rửa sạch rồi thái vài lát vào bát nước đun sôi. Sau khoảng 5-10 phút chờ cho các chất trong gừng tan hết vào nước thì dùng nước này để súc miệng. Thực hiện hằng ngày mùi hôi sẽ thuyên giảm đáng kể.
- Vỏ bưởi: Đây là nguyên liệu chứa nhiều tinh dầu thơm, nhất là chất cay của vỏ bưởi giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mùi hiệu quả. Bệnh nhân sử dụng vỏ bưởi tươi rửa sạch, cắt miếng nhỏ và nấu thành nước dùng súc miệng trong ngày. Nên thực hiện vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ để cải thiện mùi hôi ở miệng.
- Búp ổi non: Tinh chất trong lá ổi có tác dụng làm sạch mảng bám, loại bỏ mùi hôi hiệu quả. Chỉ cần nhai 3-4 búp ổi non trong vòng 5 phút hơi thở của bạn sẽ giảm mùi đáng kể.
Sử dụng các biện pháp Tây y
Nếu hôi miệng chỉ là triệu chứng tạm thời thì hoàn toàn có thể được loại bỏ bằng kẹo cao su hoặc nước súc miệng. Tuy nhiên, nếu hơi thở có mùi kèm theo viêm nhiễm, sâu răng, mảng bám dày,… thì người bệnh buộc phải thực hiện các can thiệp nha khoa.
Trường hợp bệnh nhân đã xử lý tình trạng răng miệng nhưng mùi hôi không được cải thiện thì cần thăm khám tại các chuyên khoa khác. Bởi rất có thể, tình trạng này do các vấn đề về dạ dày, tiểu đường, xương khớp, tiết niệu… gây nên.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cũng nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám. Bởi việc đánh răng thông thường không thể loại bỏ hết vi khuẩn, thức ăn thừa trong kẽ răng. Tuy nhiên, để có cách dùng đúng và không gây hại cho răng người bệnh nên tham khảo ý kiến nha sĩ.
Hơi thở có mùi nên ăn gì, kiêng gì?
Để làm giảm mùi hôi khó chịu, ngăn không cho các triệu chứng trầm trọng hơn, bệnh nhân nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học. Cụ thể như sau:
Những thực phẩm nên bổ sung
- Thảo mộc tươi: Rau mùi, bạc hà, hương thảo, gừng… chứa hàm lượng lớn tinh dầu và có khả năng khử mùi hiệu quả. Người bệnh có thể ăn trực tiếp hoặc sử dụng những nguyên liệu này hãm trà.
- Sữa chua: Ăn sữa chua hằng ngày giúp loại bỏ mùi hôi, giảm mảng bám và tăng cường lợi khuẩn cho khoang miệng.
- Táo, cần tây: Tạo điều kiện cho răng có cơ hội ma sát và loại bỏ mảng bám, đồng thời hai thực phẩm này cũng giúp kích thích hoạt động của tuyến nước bọt, giúp khoang miệng luôn sạch sẽ.
Những thực phẩm nên hạn chế
- Đồ ăn nhiều đạm khó tiêu: Thịt mỡ, cá, phô mai… có thể gây đầy bụng, chướng hơi, từ đó khiến người bệnh gia tăng mùi hôi khó chịu ở miệng.
- Thực phẩm dễ gây mùi: Hành, tỏi, dưa muối, củ cải, sầu riêng… Khi những thực phẩm này vào dạ dày sẽ ngấm vào máu và gây mùi qua đường thở.
- Rượu bia: Bởi những thức uống này cũng có thể làm hơi thở có mùi nặng hơn.
Khám, chữa hôi miệng dứt điểm ở đâu?
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân hôi miệng, trước tiên bệnh nhân cần thăm khám răng miệng và mũi họng, sau đó kiểm tra đường hô hấp và tiêu hóa. Điều này đều có thể thực hiện tại các bệnh viện đa khoa có khoa răng hàm mặt. Dưới đây là một vài địa chỉ người bệnh có thể tham khảo:
- Bệnh viện Quân Y 103: Là bệnh viện trực thuộc Học viện Quân Y, đảm nhận vai trò khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Bệnh viện có nhiều chuyên khoa trong đó bao gồm Khoa Răng và Tai Mũi Họng, giúp chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả chứng hơi thở có mùi hôi. Địa chỉ bệnh viện: 261 đường Phùng Hưng, Phường Phúc La, Hà Đông, Hà Nội – Điện thoại: 0983.889.103 – 0931.727.434.
- Bệnh viện 108: Khoa Răng của bệnh viện là nơi tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân đang gặp vấn đề về răng miệng, trong đó có tình trạng hôi miệng. Hiện bệnh viện có địa chỉ tại: Số 1 Trần Hưng Đạo, thuộc phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội – Điện thoại 096 775 16 16.
- Bệnh viện Bạch Mai: Là một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước, Bạch Mai luôn là lựa chọn tin cậy cho bệnh nhân, nhất là những người đang bị hơi thở có mùi hôi. Người bệnh có thể liên hệ bệnh viện theo địa chỉ: Số 78 Giải Phóng, thuộc phường Phương Đình, Đống Đa, Hà Nội – Địa chỉ: 0869 587 728.
Phòng ngừa bệnh hôi miệng
Để tránh việc hơi thở “rau mùi”, cản trở hoạt động giao tiếp, mỗi người nên thực hiện các biện pháp sau:
- Duy trì thói quen vệ sinh răng miệng ngay sau khi ăn, nên làm sạch cả vùng lưỡi để tránh tích tụ vi khuẩn khiến hơi thở có mùi.
- Bỏ thuốc lá vì đây là tác nhân chủ yếu khiến răng xỉn màu và hơi thở có mùi hôi khó chịu.
- Luôn uống nhiều nước, tránh để miệng bị khô và gây mùi khó chịu.
- Nhai kẹo cao su thường xuyên để kích thích tiết nước bọt.
- Hạn chế việc sử dụng các loại thức ăn có nhiều đường để không tạo điều kiện cho vi khuẩn có cơ hội phát triển.
- Chủ động thay bàn chải 3-4 tháng/lần, không sử dụng bàn chải có lông cứng để tránh làm tổn thương lợi và nướu.
- Nếu đang mắc các bệnh lý như trào ngược dạ dày, bệnh gan, thận, đái tháo đường…. cần điều trị dứt điểm để không làm hơi thở có mùi.
Hôi miệng gây ra nhiều bất tiện cho cuộc sống cũng như công việc của người bệnh. Do vậy, để không gặp phải tình trạng này, mỗi người nên chủ động sinh hoạt khoa học, vệ sinh răng sạch sẽ. Đồng thời nên đi thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ để sớm phát hiện bất thường, từ đó kịp thời can thiệp.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!